Design a site like this with WordPress.com
Get started

10 Cuốn Sách Hay Nhất Năm 2020 do The New York Times bình chọn

Dưới đây là 10 tựa sách hay nhất trong năm nay, được tuyển chọn bởi đội ngũ biên tập viên của The New York Times.

1. A Children’s Bible – Lydia Millet

Trong tiểu thuyết mới nhất của Millet, bọn trẻ con và cha mẹ của chúng cùng nhau du lịch mùa hè tại một ngôi nhà nông thôn ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Trong khi những người trưởng thành say mê với thú vui của riêng họ (thuốc phiện, rượu chè, tình dục), thì lũ trẻ, bất mãn và bị bỏ bê, chỉ biết lắc đầu ghê tởm.

Tuy nhiên, những gì khởi đầu tựa như bộ phim hài nhiều thế hệ sẽ sớm chuyển sang chiều hướng đen tối, khi thời tiết dần xấu đi và bất ổn bắt đầu xuất hiện. Sự hỗn loạn diễn ra sau đó được nhấn mạnh bởi những hình ảnh và biểu tượng trích từ Kinh Thánh – một người đàn ông trên một chiếc bè trôi giữa đám lau sậy, những con vật được cứu khỏi trận đại hồng thủy được đặt đằng sau xe tải, một đứa trẻ sinh ra trong máng cỏ.

Qua lối viết nhẹ nhàng, Millet mang đến một câu chuyện ngụ ngôn về biến đổi khí hậu, thổi vào những huyền thoại cổ xưa một ý nghĩa mới, cùng nhiều hy vọng.

2. Deacon King Kong – James McBride

Một câu chuyệnbí ẩn, một tiểu thuyết trinh thám, một vở hài kịch thành thị, một bức chân dung xã hội học về Brooklyn vào cuối thập niên 1960: tiểu thuyết của McBride chứa đựng rất nhiều điều.

Trung tâm tác phẩm xoay quanh Deacon Cuffy Lambkin, hay còn gọi là Sportcoat, cư dân kỳ cựu của Dự án Nhà ở Causeway – một gã đàn ông góa vợ, chuyên đi lễ nhà thờ, sẵn lòng làm đủ thứ công việc kỳ quặc để kiếm ăn, có sở thích tự ủ rượu tại nhà, và giờ đây, sau khi bắn chết tên trùm ma túy địa phương, Sportcoat trở thành kẻ bị truy nã. Cốt truyện cũng bao gồm nhiều chi tiết đắt giá: sự cạnh tranh giữa các băng đảng ma túy, một tên buôn lậu người Ý, một kho báu bị chôn giấu, các bà sơ trong nhà thờ và người vợ đã chết từ lâu của Sportcoat – với tiếng cằn nhằn vang lên từ sâu trong lòng mộ.

McBride, tác giả của tiểu thuyết đoạt National Book Award “The Good Lord Bird” và hồi ký “The Color of Water,” trình bày bản giao hưởng kỳ dị của mình với một cảm xúc sâu sắc, không bao giờ lãng quên đau khổ và bất công ngay cả trong những khoảnh khắc vui vẻ.

3. Hamnet – Maggie O’Farrell

Một kỳ công táo bạo của trí tưởng tượng và sự đồng cảm, cuốn sách này mang đến hơi thở tươi mới và cảm xúc dạt dào cho một bí ẩn của lịch sử: làm thế nào cái chết của đứa con trai 11 tuổi của Shakespeare, Hamnet, vào năm 1596, lại giúp định hình vở kịch “Hamlet” mà ông viết sau đó vài năm.

O’Farrell, tiểu thuyết gia người Ireland, đã khéo léo gợi lên hình ảnh quê hương Shakespeare theo cách thật sống động: mớ da mới thuộc trong cửa hàng găng tay của người cha vụng về của ông; mùi thơm của táo trong nhà kho, nơi lần đầu tiên ông hôn Agnes, con gái của một nông dân, đồng thời cũng là một người chữa bệnh tài năng sau này sẽ trở thành vợ ông; và nỗi đau tuyệt vọng ập đến khi bà không thể cứu con trai mình khỏi bệnh dịch.

Hamnet là bức chân dung của nỗi đau buồn khôn tả được bao bọc bởi vẻ đẹp tuyệt vời.

4. Homeland Elegies – Ayad Akhtar

Vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính chính trị, tiểu thuyết thứ hai của Akhtar có thể được diễn giải giống như một tuyển tập các bài luận hoàn hảo tạo nên một bản sắc cực kỳ đa diện.

Chúng ta bắt đầu với Walt Whitman, với khát khao đặt chân đến nước Mỹ cùng giấc mơ thực sự sẽ thuộc về nơi này – những điều mà người kể chuyện của chúng ta sẽ dần làm cho biến mất trong các chương sách tiếp theo. Sự lôi cuốn kèm theo đó là sự đổ nát của thủ đô, những vết thương sau sự kiện 11/9, viên thuốc đắng của sự chối từ văn hóa: Akhtar không tiếc lời chỉ trích những câu chuyện thường thấy nhất ở đất Mỹ.

Ông cũng thường xuyên quay lại chủ đề về cha mình, một người nhập cư gốc Pakistan và từng là bác sĩ cho Donald Trump, trong hành trình cả đời tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Rốt cuộc, điều gì khiến một người trở thành người Mỹ?

5. The Vanishing Half – Brit Bennett

Đằng sau vẻ ngoài bóng bẩy và cốt truyện hấp dẫn, tiểu thuyết thứ hai của Bennett, tác phẩm theo sau cuốn sách nổi tiếng “The Mothers,” chưa đựng suy ngẫm đầy khiêu khích về khả năng và giới hạn của việc tự xác định danh tính bản thân.

Các phần truyện xen kẽ kể lại số phận của Stella và Desiree, hai chị em sinh đôi người da đen đến từ một thị trấn ở Louisiana thời kỳ Jim Crow, nơi mà các cư dân luôn tự hào về làn da trắng của mình. Khi Stella quyết định thay đổi để trở thành người da trắng, cuộc đời của hai chị em đã rẽ theo hai hướng khác nhau, và chỉ bất ngờ giao nhau nhiều năm sau đó.

Bennett đã xây dựng cuốn tiểu thuyết của mình một cách hết sức cẩn thận, đưa vào các nhân vật, bao gồm một người đàn ông chuyển giới và một nữ diễn viên, những người mời gọi chúng ta xem xét cách mà danh tính được lựa chọn và áp đặt, cũng như việc “thay đổi và vượt qua” có lẽ đang mô tả một hiện tượng phổ biến hơn chúng ta nghĩ.

6. Hidden Valley Road – Robert Kolker

Don và Mimi Galvin sinh đứa con đầu tiên trong số 12 người con của họ vào năm 1945. Trí thông minh và ngoại hình ưa nhìn vốn là gen trội trong gia tộc, nhưng ngoài ra chứng bệnh tâm thần cũng được di truyền: giữa thập niên 1970, sáu trong số mười người con trai của Galvin đã có dấu hiệu tâm thần phân liệt.

“Đối với một gia đình, tâm thần phân liệt, trước hết, là một trải nghiệm về mặt cảm nhận, như thể nền tảng của cả gia đình đã vĩnh viễn đổ nghiêng,” Kolker viết. Hidden Valley Road là một tượng đài của thể loại tự sự báo chí nhưng cũng là một nghiên cứu về sự đồng cảm, khi tác giả hé lộ những câu chuyện của anh em nhà Galvin với lòng trắc ẩn to lớn đồng thời cố gắng tìm kiếm những tiến bộ khoa học trong việc chữa trị căn bệnh này.

7. A Promised Land – Barack Obama

Hồi ký của các tổng thống thường nhằm mục đích đưa ra các thông tin, củng cố danh tiếng và ở một mức độ nhất định, để định hình tiến trình lịch sử, và hồi ký của Obama cũng không phải là ngoại lệ.

Điều khiến nó trở nên khác biệt với sách của những người tiền nhiệm là sự soi xét nội tâm ở mức độ đáng chú ý. Tổng thống mời gọi người đọc “bước chân” vào tâm trí mình khi ông phải cân nhắc những vấn đề sinh tử liên quan đến an ninh quốc gia, kiểm tra từng chi tiết nhỏ trong quá trình ra quyết định của ông. Obama cũng mô tả cảm giác phải chịu đựng quá trình lập pháp đầy cam go và đưa ra suy nghĩ của mình về cải cách chăm sóc sức khỏe và về khủng hoảng kinh tế. Là một cây bút khéo léo, ông gắn kết câu chuyện của mình với những giai thoại gia đình đầy tình cảm và những bức phác thảo thu nhỏ về các nhà lãnh đạo thế giới cũng như nhiều đồng nghiệp.

A Promised Land là phần đầu tiên trong số hai tập sách – với đoạn kết là năm 2011 – và nó mang tính chiêm nghiệm và cẩn trọng như chính con người cựu tổng thống.

8. Shakespeare in a Divided America – James Shapiro

Trong cuốn sách mới nhất của mình, tác giả của “Contested Will: Who Wrote Shakespeare?” và “1599: A Year in the Life of William Shakespeare” đã thực sự vượt qua chính mình.

Ông lựa chọn hai “siêu vật thể văn hóa”– Shakespeare và nước Mỹ – và phân tích tác động từ vụ va chạm của chúng. Mỗi chương sách tập trung vào một năm với một trọng tâm chủ đề khác nhau. Chương đầu tiên, “1833: Miscegenation,” xoay quanh John Quincy Adams và sự căm ghét tới mức ám ảnh của ông dành cho nàng Desdemona*.

Chương cuối cùng, “2017: Left | Right,” nơi tài năng Shapiro đặc biệt xuất chúng, phân tích quá trình tạo ra vở “Julius Caesar” nổi tiếng ở Công viên Trung tâm. Đến lúc ấy, rõ ràng chủ đề thực sự của cuốn sách không phải là các vở kịch của Shakespeare, mà chính là nước Mỹ.

*Nhân vật trong vở Othello của Shakespear

9. Uncanny Valley – Anna Wiener

Cuốn hồi ký đầy phong cách của Wiener là một biên niên sử văn học hiếm có về sự vỡ mộng trước thế giới công nghệ.

Chán ngán công việc trợ lý với mức lương bèo bọt tại một công ty văn học ở New York, Wiener, khi đó ở độ tuổi ngoài 20, quyết định tiến về phía Tây, đi theo tiếng gọi của các công ty khởi nghiệp ở vùng Bay Area – vốn đang phát triển mạnh mẽ với tinh thần lạc quan, sức sống và tiền mặt. Trải qua một loạt công việc không phù hợp – chính xác hơn là nhiều vị trí hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, chính những khó khăn của Wiener hóa ra lại giúp bà có lợi thế vô song để từ đó xem xét thật kỹ lưỡng lĩnh vực của mình.

Kết quả là sự phơi bày, cách cẩn thận và lặng lẽ, về khoảng cách xa xôi giữa chủ nghĩa lý tưởng công khai của một lĩnh vực và những tệ nạn nội tại của nó.

10. War – Margaret MacMillan

Đây là một cuốn sách dù ngắn nhưng rất phong phú và có một chủ đề sâu sắc. MacMillan lập luận rằng chiến tranh – đối đầu và giết chóc – gắn bó mật thiết với ý nghĩa của việc là một con người, đến nỗi việc coi nó là bước đi chệch hướng sai lầm là không chính xác.

Chiến tranh đã dẫn đến nhiều thảm họa lớn cho văn minh nhân loại, nhưng cũng đem về nhiều thành tựu lớn nhất của nền văn minh. Nó ở xung quanh chúng ta, ảnh hưởng đến mọi thứ chúng ta thấy và làm; nó nằm sâu trong xương tủy của chúng ta. MacMillan tạo ấn tượng theo cách thật dễ dàng.

Quả thật, mỗi trang trong cuốn sách đều cực kỳ thú vị và thậm chí còn mang tính giải trí, dù lập luận có gay gắt đến đâu.

Kim Phụng (Theo New York Times)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

Powered by WordPress.com.

Up ↑

%d bloggers like this: